Bước vào cao điểm mùa nắng nóng, tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn bùng phát nhanh chóng, tấn công và gây bệnh. Sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Trong đó, có 15 bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em phổ biến mà phụ huynh nên lưu ý để có biện pháp phòng tránh và xử trí an toàn.
Nội dung chính
Vì sao mùa hè là thời điểm dễ bệnh ở trẻ em?
Mùa hè là thời điểm trẻ em dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh ngoài da. Thời tiết nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm trong không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn bùng phát, tấn công mạnh mẽ và gây bệnh chủ yếu cho những đối tượng có hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, sức đề kháng yếu kém.
Bên cạnh đó, sự thay đổi nóng lạnh đột ngột trong mùa hè là nguyên nhân chính khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Nhiệt độ ngoài trời trong mùa hè cao, khoảng từ 38-42 độ. Trong khi đó, nhiệt độ trong phòng điều hòa chỉ khoảng 20-25 độ. Sự chênh lệch nhiệt độ quá cao khiến cơ thể của trẻ không kịp thích nghi, dẫn đến giãn nở không đều của phế quản, gây ra nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em cha mẹ cần lưu tâm
1. Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh là bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ do virus gây ra, chủ yếu là Rhinovirus. Mỗi đứa trẻ có thể bị nhiễm cảm lạnh 8 lần/năm và nhiều nhất vào đầu hoặc cuối mùa hè (thời điểm giao mùa). Phần lớn các trường hợp nhiễm cảm lạnh đều ở mức độ nhẹ với các biểu hiện: hắt xì nhiều lần, đau ở vùng họng, cổ, mệt mỏi, chán ăn,… [2]
Một số trường hợp chủ quan khác không điều trị khiến bệnh trở nên nghiêm trọng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. 20-25% trẻ bị cảm lạnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, 80% trường hợp khởi phát cơn hen nếu cảm lạnh xảy ra trên trường hợp trẻ bị hen suyễn.
2. Sốt virus
Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi. Bệnh thường do nhiều loại virus khác nhau gây ra, phổ biến nhất là virus đường hô hấp. Triệu chứng thường thấy khi trẻ bị sốt virus là sốt cao, đau mỏi người, hắt hơi, sổ mũi, ho,… Trong ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 bị bệnh, trên da xuất hiện các ban đỏ mịn. Đây là một trong những bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ.
Khi trẻ bị sốt virus nên bù nước, các chất điện giải, đảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc tốt để hạn chế biến chứng bội nhiễm. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các triệu chứng: Đau đầu, nôn nhiều, co giật, mất ý thức,… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Viêm họng
Viêm họng do virus Adeno virus, Rhino virus,… hoặc một số vi khuẩn như liên cầu khuẩn gây ra với các triệu chứng nhẹ như sổ mũi, hắt hơi, ho, sưng đau ở cổ họng khiến cho hoạt động hít thở, nuốt gặp khó khăn. Nếu sau 5-7 ngày, triệu chứng viêm họng của trẻ không đỡ, kèm theo biểu hiện sốt cao trên 38,5 độ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị ngăn chặn nguy cơ bệnh trở nặng.
4. Viêm xoang
Trẻ em bị viêm xoang vào mùa hè thường do các tác nhân gây bệnh như: virus, vi khuẩn, nấm, khói bụi, chất gây dị ứng,… và các yếu tố bất thường khác về cấu tạo của mũi xoang như: vẹo, lệch vách ngăn, gai vách ngăn,…Triệu chứng lâm sàng khi bị viêm xoang bao gồm: đau ở vùng mặt, nghẹt mũi, chảy dịch hoặc mủ ở mũi, sốt. Ngoài ra, trẻ có thể bị đau đầu, mệt mỏi, ho, cảm giác nặng, đau nhức hai bên tai. Đây là một bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ.
Nếu không được điều trị đúng, kịp thời, bệnh viêm xoang có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, áp xe dưới màng xương, áp xe ổ mắt, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng não,…
5. Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu chảy kéo dài dưới 14 ngày thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ do mất nước và các chất điện giải quá nhanh. Theo các chuyên gia, có đến 80% trường hợp bị tiêu chảy cấp xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột và các loại virus gây ra, khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu dưỡng chất.
Khi bị tiêu chảy, trẻ đi đại tiện 3-5 lần/ngày, có những trường hợp đi đại tiện hơn 10 lần/ngày, kèm thêm các biểu hiện: đau bụng, buồn nôn và nôn. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng đường uống. Chỉ nên truyền dịch khi trẻ mất nước nặng, nôn nhiều, không thể ăn uống được và phải được sự chỉ định từ bác sĩ.
6. Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu do trẻ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, nguồn nước bị nhiễm các loại virus (Norovirus, viêm gan A) hoặc vi khuẩn (Salmonella, Listeria, Campylobacter, Staphylococcus Aureus,…). Mùa hè là thời điểm trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm nhất do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, thức ăn không được bảo quản kỹ, chế biến không đảm bảo quy tắc tạo điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn sinh trưởng, phát triển và gây bệnh.
Sau khi trẻ ăn phải thực phẩm nhiễm độc một vài giờ, các biểu hiện của bệnh nhanh chóng xuất hiện như: buồn nôn, nôn ra máu, đau bụng, đi đại tiện nhiều lần, sốt cao, đau đầu, ớn lạnh,… Ở trẻ dưới 5 tuổi, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường rất nặng với các biểu hiện mạch đập nhanh, mệt lả, co giật. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu giống như bị ngộ độc thực phẩm, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm nặng gây viêm ruột thừa cấp tính, trụy tim mạch.
7. Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do virus Coxsackievirus A16 gây ra. Đây là bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi và dễ bùng phát thành dịch bệnh ở khu vực có nhiều trẻ em bao gồm trường học, nhà trẻ, khu vui chơi trẻ em,… Sau thời gian ủ bệnh khoảng 3-7 ngày, trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ, kém ăn, đau họng, mệt mỏi,… sau đó xuất hiện nốt ban hồng có đường kính khoảng 2mm trong miệng, tay, ban chân, môi và cẳng chân.
Tay chân miệng trở nên nguy hiểm hơn khi xuất hiện kèm các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, rối loạn ý thức. Nếu gặp biểu hiện này, trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay để được chữa trị kịp thời.
8. Thủy đậu
Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra, phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi và dễ biến chứng nặng ở người lớn. Tại Việt Nam, bệnh thường xuất hiện vào đợt giao mùa xuân – hè, nguyên nhân là do sự thay đổi thời tiết đột ngột rất thích hợp cho virus gây bệnh phát triển và gây bệnh.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ ủ bệnh trong 10-20 ngày, sau đó mới biểu hiện với các triệu chứng lâm sàng: sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn,… Lúc này, trên da của trẻ xuất hiện các nốt hồng ban, nổi mụn nước. Sau 7-10 ngày, các nốt mụn nước vỡ ra, khô lại và bong vảy.
Hầu hết các trường hợp trẻ bị thủy đậu đều được chữa khỏi và phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, trường hợp chậm trễ trong điều trị khiến trẻ có thể gặp biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, zona thần kinh, viêm tiểu não, viêm màng não, viêm phổi,…
⇒ Tìm hiểu thêm về: Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và phòng ngừa.
9. Sởi
Sởi là một trong các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em dễ lây lan, bùng phát thành dịch. Sởi lây qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người bệnh theo không khí thoát ra khi ho, hắt hơi, nói chuyện,… Biểu hiện đặc trưng ở người mắc bệnh sởi là sốt, phát ban, viêm long, nổi hạch, chảy mũi có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí là tử vong nếu không kịp thời điều trị.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh sởi đặc hiệu. Do vậy, bố mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh từ 9 tháng tuổi để tăng cường hệ miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh sởi.
10. Sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa hè, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị biến chứng nhất khi mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với triệu chứng: Sốt cao đột ngột và kéo dài 2-5 ngày, kèm biểu hiện da xung huyết, đau khớp, đau đầu, đau nhức cơ, viêm họng, nôn. Một số trường hợp trẻ em có sức đề kháng yếu và không được điều trị sốt xuất huyết kịp thời, dẫn đến phản ứng quá mẫn nguy hiểm suy tim, rối loạn tri giác, suy thận cấp, xuất huyết,… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
11. Viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản hay còn được gọi là viêm não mùa hè là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa hè. Cao điểm mùa dịch vào tháng 5, 6, 7. Trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm não Nhật Bản, đặc biệt là trẻ em chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, ước tính hàng năm ở châu Á có khoảng 68.000 ca bệnh, trong đó có khoảng 13.600 đến 20.400 ca tử vong, trẻ em từ 0 đến 14 tuổi chiếm đến 75% các trường hợp tử vong do viêm não Nhật Bản.
Triệu chứng khởi phát khi mắc bệnh là sốt cao đột ngột trên 39 độ C, kèm với các biểu hiện khác như đau đầu, đau bụng, buồn nôn. Có những trường hợp viêm não ác tính, bệnh tiến triển nhanh trong 24 giờ khiến bệnh nhân co giật, hôn mê, chết não và tử vong. Nếu điều trị khỏi, 50% số trẻ bị bệnh viêm não Nhật Bản phải đối mặt với các biến chứng động kinh, chậm phát triển trí tuệ, liệt,… vĩnh viễn, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa viêm não Nhật Bản là tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch.
12. Viêm não mô cầu
Viêm não mô cầu phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, tiến triển rất nhanh và gây tử vong cho trẻ chỉ sau 24 giờ khi không kịp thời phát hiện và điều trị. Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh trung bình từ 1-10 ngày. Sau đó, viêm não mô cầu biểu hiện đa dạng ở nhiều thể bệnh: viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não,… khoảng 50%-70% trẻ nhập viện do viêm não mô cầu phải đối diện với nguy cơ tử vong. Đây là bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ.
Nếu may mắn được cứu sống, 20% trong số đó bị chậm phát triển, suy thận cấp, tổn thương gan. Vì vậy, bố mẹ cần cho con tiêm phòng não mô cầu đúng lịch, đủ mũi để bảo con khỏi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
13. Rôm sảy
Rôm sảy là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè phổ biến nhất. Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị rôm sảy là do thời tiết nắng nóng, khiến cơ thể phải điều tiết nhiệt độ bằng cách tiết ra nhiều mô hôi. Trong khi đó, tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển toàn diện, khiến mồ hôi không thoát ra hết gây ứ đọng và phát thành các nốt rôm. Đây là bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ.
Các vị trí mọc nhiều rôm sảy thường là vùng đổ nhiều mồ hôi, có nhiều bụi bẩn, da chết như: Lưng, cổ, ngực, đầu,… Rôm mọc thành từng đám, mảng lớn với các nốt mụn li ti màu hồng đỏ, đầu mụn có nước, mủ trắng xen lẫn. Trẻ bị rôm sảy thường quấy khóc do ngứa ngáy, khó chịu.
14. Say nắng
Say nắng là một trong các bệnh trẻ em thường gặp vào mùa hè. Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với thời tiết và dễ bị say nắng. Nhiệt độ ngoài trời vào mùa hè cao, lên đến trên 40 độ C khiến cơ thể tạo ra phản ứng để cân bằng nhiệt độ cơ thể như: Giãn nở mạch máu, tiết nhiều mồ hôi. Khi sự điều hòa thân nhiệt không thích ứng kịp với thời tiết bên ngoài, cơ thể bị mất nước, da nóng, ửng đỏ, sốt cao, co giật, động kinh,… nguy cơ dẫn đến tử vong.
15. Mất nước
Tình trạng mất nước vào mùa hè ở trẻ em khiến cha mẹ vô cùng lo lắng bởi có nhiều trường hợp trẻ em rơi vào tình trạng nguy kịch khi bị mất nước nhưng không được bù nước kịp thời. Khi trẻ hoạt động ngoài trời trong thời tiết nắng nóng sẽ đổ nhiều mồ hôi. Lúc này, nếu không được bù nước đúng cách, cơ thể của trẻ sẽ bị mất nước với biểu hiện: niêm mạc khô, da giảm đàn hồi,… Khi nhận thấy dấu hiệu mất nước ở trẻ, cần tìm cách bù nước, bù điện giải ngay để giảm bớt sự mệt mỏi, khó chịu cho trẻ.
Hướng dẫn phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè
1. Tiêm chủng đầy đủ theo lịch
Đa số các bệnh mùa hè như sởi, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, viêm màng não… thường gặp ở trẻ đều đã có vắc xin dự phòng hiệu quả. Vì vậy, tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là cách đơn giản, an toàn và tiết kiệm để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại căn bệnh lây truyền vào mùa hè.
2. Cho trẻ uống đủ nước
Trẻ nhỏ là đối tượng hiếu động, đùa nghịch, chạy nhảy nhiều nên vào mùa nóng, trẻ ra nhiều mồ hôi hơn người lớn. Vì vậy, cần tăng cường lượng nước cần thiết để bù nước cho trẻ, đặc biệt là các loại nước uống giàu khoáng như: nước chanh, nước muối pha loãng, nước pha oresol,… giúp cơ thể trẻ luôn mát mẻ, không bị tăng thân nhiệt, sốt vì mất nước. Đây là cách để phòng các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ.
3. Giữ vệ sinh cho bé và giáo dục cách để bé tự giữ vệ sinh cá nhân
Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ nhỏ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây lan qua đường tiếp xúc.
- Trẻ cần được tắm gội hàng ngày để loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi ứ đọng trên da;
- Thay quần áo mỗi ngày hoặc khi trẻ bị ra nhiều mồ hôi để tránh cảm lạnh, rôm sảy, nấm ngứa;
- Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
4. Môi trường sống cần sạch sẽ và thoáng mát
Môi trường sống sạch sẽ và thông thoáng sẽ làm giảm độ nóng, thanh thải mầm bệnh trong không khí, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mùa hè cho trẻ.
- Nhà cửa nên được quét dọn, lau chùi hàng hàng, nhất là khu vực trẻ hay chơi đùa, nghỉ ngơi.
- Không nên để thức ăn, rác thải vương vãi trong nhà thu hút ruồi muỗi, côn trùng, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển mạnh gây bệnh cho trẻ và người thân trong gia đình.
5. Vệ sinh thường xuyên dụng cụ ăn uống và đồ chơi của trẻ
Đồ chơi và dụng cụ ăn uống là đồ vật gần gũi mà trẻ thường xuyên tiếp xúc. Do đó, việc vệ sinh đồ dùng này sạch sẽ là việc mà cha mẹ nên chú ý.
- Đối với đồ chơi, ba mẹ nên giúp con vệ sinh khoảng 1 tuần/lần. Nếu đồ chơi bị dính bẩn, cần được vệ sinh ngay tức thì.
- Dụng cụ ăn uống của trẻ phải được vệ sinh hàng ngày. Mỗi loại chén, bát, ti sữa của trẻ đều có hướng dẫn cách vệ sinh khác nhau. Ba mẹ nên tham khảo cách vệ sinh theo khuyến cáo của nhà sản xuất để làm sạch dụng cụ ăn uống cho trẻ đúng cách.
6. Chế độ dinh dưỡng khoa học cho bé
Các loại hoa quả như cam, đào dứa,… đều rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Phụ huynh nên cho trẻ tăng cường ăn hoa quả hàng ngày để bổ sung vitamin, bù nước cho cơ thể. Ngoài ra, các loại rau xanh: rau cải, rau chân vịt,… nên được bổ sung trong các bữa ăn hàng ngày của trẻ để cung cấp dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em.
7. Hạn chế cho bé chơi đùa hay ra ngoài trời nắng gắt
Hạn chế cho bé ra ngoài trong thời điểm nắng nóng nhất trong ngày, từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều bởi chạy nhảy, chơi đùa trong điều kiện thời tiết nắng nóng có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mùa hè ở trẻ em. Thay vào đó, chỉ nên đưa trẻ đi chơi khi trời mát, tận dụng nơi có bóng mát, bóng râm để che nắng cho trẻ. Trong trường hợp buộc phải đưa trẻ ra ngoài trong thời điểm nắng nóng, nên cho trẻ sử dụng áo khoác chống nắng, đội mỹ, đeo kính râm để chống nắng nóng cho trẻ một cách tốt nhất.
8. Mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt
Đối với trẻ em, nên lựa trang phục có chất liệu vải được làm từ sợi tự nhiên, chất liệu mềm, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Đặc biệt với trẻ sơ sinh, vào mùa hè không nên quấn kỹ quá mức sẽ làm trẻ nóng bức, khó chịu, dễ nổi rôm sảy. Ngoài ra, trong mùa hè, nên hạn chế đóng bỉm cho bé, nhất và vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
9. Khám sức khỏe định kỳ và theo dõi để phát hiện triệu chứng bệnh
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Qua thăm khám định kỳ, những bất thường về sức khỏe của trẻ được phát hiện và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng, tiết kiệm chi phí điều trị.
Một số câu hỏi thường gặp về các bệnh ở trẻ vào mùa hè
1. Trẻ em hay bị sốt vào thời tiết nắng nóng có phải do bệnh không?
Thời tiết nắng nóng là một trong những nguyên nhân gây sốt cao ở trẻ. Trẻ em rất nhạy cảm với nhiệt nên vào những ngày thời tiết nắng nóng của mùa hè, trẻ dễ bị cảm nóng, sốt cao vì mất nước, cơ thể chưa thích nghi được với nhiệt độ bên ngoài.
2. Mùa hè có cho bé tắm nắng được không?
Vào mùa hè, phụ huynh vẫn cho bé tắm nắng được. Thời điểm thích hợp nhất để cho trẻ tắm nắng là từ 6 đến 9 giờ sáng. Bên cạnh đó, nếu không có thời gian cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng, mẹ có thể cho con tắm nắng vào buổi chiều, từ 16 giờ đến 18 giờ, khi ánh nắng đã yếu đi và dịu hơn.
Lưu ý trong những ngày đầu, mẹ chỉ nên cho bé tắm nắng trong khoảng 10 phút. Khi trẻ đã dần thích nghi, có thể tăng thời gian tắm nắng lên 15 – 20 phút/ngày.
Trên đây là 15 bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ mà cha mẹ cần hết sức lưu ý. Trong trường hợp trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát sao, đưa đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, nên cho con đi tiêm phòng vắc xin càng sớm càng tốt, không trì hoãn để bảo vệ con khỏi các bệnh thường gặp trong mùa hè.
Thuốc và thực phẩm chức năng tại Bình Dương
HỆ THỐNG NHÀ THUỐC VÂN ANH PHARMACY BÌNH DƯƠNG
SHIP HÀNG TOÀN QUỐC
Zalo FaceBook